Cánh cửa mở rộng - Cân bằng mong manh, là tác phẩm về một Ấn Độ trong thời kỳ biến động mạnh mẽ thập niên 70, bao quát toàn bộ những sự tàn bạo và thối nát, phẩm giá và anh hùng tính của một trong những cái nôi văn minh nhân loại này
Cánh cửa mở rộng - Cân bằng mong manh
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Tác Giả: Rohinton Mistry
Năm xuất bản: 2014
Số trang: 1.056
Khổ sách: 13x20cm
Dạng bìa: Mềm
Giới thiệu sách:
Cân bằng mong manh là tác phẩm về một Ấn Độ trong thời kỳ biến động mạnh mẽ thập niên 70, bao quát toàn bộ những sự tàn bạo và thối nát, phẩm giá và anh hùng tính của một trong những cái nôi văn minh nhân loại này. Địa điểm là một thành phố không tên bên bờ biển. Chính phủ vừa tuyên bố Tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, bốn con người hoàn toàn xa lạ - một quả phụ cứng cỏi, một cậu sinh viên trẻ bị dứt khỏi vùng đồi núi thanh bình đã sinh ra mình, và hai người thợ may phải trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực đẳng cấp nơi quê nhà - bị dòng đời xô đẩy đến với nhau, bị buộc phải cùng chia sẻ một căn hộ chật chội và một tương lai bất ổn.
Đẳng cấp, định kiến, trọng nam khinh nữ, sự bành trướng của các tập đoàn nước ngoài, chính phủ hỗn loạn, sự bất an đè lên những người dân bình thường không có gì “chống lưng”… là vũng bùn sâu mà mỗi nhân vật đều vùng vẫy thoát ra. Đã có lúc họ tưởng như đã đứng vững, vươn cao khỏi bùn lầy, nhưng thế đứng của họ là sự “cân bằng mong manh”, có thể đổ sụp bất kỳ lúc nào.
Cân bằng mong manh thực sự là một kiệt tác, khắc họa sâu sắc một tấn bị kịch của đời người, bi kịch của cả một đất nước Ấn Độ rộng lớn. Nó là một cuốn tiểu thuyết, nhưng những chi tiết được kể ra lại quá chân thực đến mức xóa nhòa khoảng cách của đời sống và hư cấu, biến nó trở thành một kiểu phim tài liệu, phóng sự bắt trọn mọi hình ảnh. Ở đó có những người lao động nghèo hèn phải vật lộn với công cuộc mưu sinh, có những người ăn mày lang thang trên đường phố để xin của bố thí sống qua ngày, có những khu ổ chuột xập xệ với cảnh sống bẩn thỉu, khốn cùng. Ở đó cũng có hình ảnh về một vùng đất đa dạng về văn hóa nhưng quá sức hỗn loạn, đôi khi là tàn nhẫn, có sự quan liêu, giả dối của một chính phủ lúc nào cũng kêu gào dân chủ và hòa bình. Nhưng sau những mảng tối u ám ấy, tình người, tình yêu thương nảy sinh từ những điều bình dị nhất vẫn hiện hữu, vẫn tỏa sáng như một ánh lửa nhỏ nhoi mà ấm áp.
Cách Mistry kể chuyện, bắt đầu từ những thành tựu hôm nay của ai đó, ông kể ngược lại để ta dần dần nghiệm ra họ đã trải qua những khổ nghiệm xương máu ra sao. Cuộc đời ở đâu cũng thế, những con người chỉ từ những đau khổ khó khăn mới gắn kết nhau hơn. Dù là một câu chuyện bi đát, nhưng giọng kể không khiến tôi cảm thấy bi quan và tuyệt vọng vì những sai trái bất công dù đó là trong xã hội nào, mà nó là góc nhìn lạc quan của những con người dám công nhận sự hiện diện của những bất công ấy để họ đấu tranh và thay đổi, dù mỗi ngày chỉ nhích đi được một phân thì dần cũng sẽ đến đích thôi.
Tác phẩm xúc động, kịch tính, gợi nhiều cảm nghĩ sâu sắc về thăng trầm và nỗ lực trong đời người.
Trân trọng giới thiệu!