Dị nghị luận đồng chân dung đưa ra những góc nhìn vừa mới lạ, vừa trẻ trung đối với các tác giả đương đại của văn học Việt Nam
Dị nghị luận đồng chân dung
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Tác giả: Đặng Thân
Năm xuất bản: 2013
Số trang: 496
Khổ sách: 13 x 20.5 (cm)
Dạng bìa: Bìa mềm
….Một dòng sông trong mát.
Ta thả mình trong sông. Dòng sông mơn man ta. Dường như ta tan ra. Sạch sẽ. Thanh lọc. Hồn ta hòa với sông là một đi suốt từ ngọn nguồn tới bể cả. Dòng-sông-ta đi qua những khe núi, chẳng được bao la nhưng cũng đầy róc rách. Dòng-sông-ta lượn qua những cánh đồng, chẳng dập dồn nhưng thênh thang quá. Qua những phố xá, chẳng được thăm thẳm mà sao náo nhiệt. Hòa với biển rồi mới thấy mình chỉ là giọt nước giữa nghìn trùng. Để rồi lại bắt đầu một kiếp luân sinh.
Trái Đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung!
Đoạn đường nào mà sông ta chẳng đẹp, đẹp đến nhức nhối. Đâu nào có thương đây mà chán đó. Nào đâu có biết ta đã hóa thành sông hay sông đã hóa thành ta.
Cũng chỉ bởi vì ta muốn tắm.
Cũng chỉ vì đời sao mà lắm hồng trần.
Tôi vốn là kẻ kém tắm. Hạ tuần đôi lượt. Đông tháng đôi lần. Bẩn quá thì chỉ rửa chân hay đi gội đầu lại thấy mình sạch như mới tắm. Kém tắm thế thì chưa văn minh rồi. Nhưng ở đời cái sự tắm rửa nhiều ít còn do anh có lấm nhiều bụi trần hay không. Đã thế có kẻ còn bảo rằng anh tắm ít vì do trong lòng anh đã sáng sủa tinh tươm rồi, nên không bao giờ cái cảm giác bẩn nó ám ảnh, và ngoài người có bẩn anh cũng không hay. Cái thằng cha làm cái thanh cao trong mình được ve vuốt đâm ra mình khoái và cảm thấy cái sự kém tắm của mình cũng đáng tự hào đầy bản sắc văn hóa thế gian.
Hình như tại đời lắm bụi trần.
Nhưng, cũng chỉ vì kém tắm mà tôi đâm ra hay để ý, nghĩ ngợi về chuyện tắm rửa. Hình như là luật bù trừ, hễ kém tắm bên ngoài là hay khá tắm bên trong. Người ta tắm bởi vì muốn sạch. Mà muốn vậy bởi tại người ta bẩn. Thì ra bẩn là khởi đầu của sạch. Sạch là ngọn nguồn của bẩn…