Nguyễn Tuân - Tác Phẩm & Lời Bình, mang tới cho người đọc một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật, thi pháp của tác giả
Nguyễn Tuân - Tác Phẩm & Lời Bình
Nhà xuất bản: Văn Học
Tác giả: Nhiều Tác Giả
Năm xuất bản: 2011
Số trang: 358
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Dạng bìa: Bìa mềm
Giới thiệu sách:
Nói đến nhà văn Nguyễn Tuân là người ta nghĩ ngay đây là một nhà văn tài hoa vào loại bậc nhất của văn đàn Việt Nam trong gần thế kỷ, từ năm 1938 đến 1987. Ông có cá tính chẳng giống ai, nghiêm khắc mà nhân hậu trong công việc và sinh hoạt đời thường và một phong cách nghệ thuật hết sức tài hoa, nhưng rất uyên bác với đặc trưng là thể loại tùy bút mang nghệ hiệu Nguyễn Tuân. Nhưng nói đến ông, người ta nhớ đến một người thích “xê dịch”, nhưng cũng “ghét” phê bình vào loại bậc nhất.
"… Các tác phẩm của Nguyễn Tuân có thể nói trừ "Vang bóng một thời" đều có tính cách tự truyện. Nhân vật trung tâm là Nguyễn - tức là Nguyễn Tuân. Nguyễn luôn luôn chỉ có một hành vi: tự hủy diệt. Ông là một con người không thỏa hiệp được với xã hội chung quanh. Nguyễn tìm mọi cách để trốn tránh cuộc sống chán ngấy đến tận cổ họng mà Nguyễn đang sống, phải sống. Nguyễn xê dịch hòng tìm được ở đâu đó cái gì khác với cái thực tại ngột thở giam cầm Nguyễn…" (Trích bài viết "Tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân" của Hoàng Như Mai)
"Nguyễn Tuân - Tác phẩm và lời bình" bao gồm hai phần:
Phần một của Nguyễn Tuân - Tác Phẩm & Lời Bình - Tác phẩm: giới thiệu ba tác phẩm đặc sắc mang đậm phong cách Nguyễn Tuân: Vang bóng một thời, Chùa Đàn, Người lái đò sông Đà.
Phần hai - Lời bình: các bài viết, bài bình sâu sắc của nhiều tác giả tên tuổi như Phan Cự Đệ, Hoàng Như Mai, Nguyên Ngọc, Hà Minh Đức về con người, cuộc đời và những nét đặc sắc nội dung, nghệ thuật trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân.
Về tác giả- nhà văn Nguyễn Tuân:
Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7/1910, mất 28/7/1987 tại thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội trong một gia đình nhà Nho, khi Hán học đã bước vào thời kỳ thoái trào. Ông học hết lớp cuối bậc Thành chung (tương đương THCS hiện nay). Ông có bảy người con. Con trai cả là Trung tướng Trần Xuân Trường (tức Nguyễn Thạch Toàn) đã đổi họ khi tham gia Cách mạng, từng là chiến sĩ trong Trung đoàn Cảm từ Hà Nội, từng là lãnh đạo Học viện Chính trị và Quân sự, đã qua đời. Sinh thời, ngoài tên thật là Nguyễn Tuân, ông còn có nhiều bút danh khác như: Nhất Lang, Thanh Thuỷ, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.
Sách giáo khoa văn học hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Hà Nội đã có một con đường mang tên Nguyễn Tuân cùng với các nhà văn cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng... Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.
Trân trọng giới thiệu!