Trái tim son trẻ, đọc cuốn sách, bạn thấy ở tác giả một trái tim nhạy cảm, dù với một vấn đề liên quan đến thời cuộc, xã hội hay chút lãng mạn riêng tư, cuốn sách là những bức tranh đời, được vẽ bằng trực giác, ý thức, cảm quan, thậm chí chủ quan của một người trẻ tuổi có nhiều màu sắc và nồng nhiệt
Trái tim son trẻ
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Tác Giả: Phiên Nghiên
Năm xuất bản: 2011
Số trang: 178
Khổ sách: 13x20 cm
Dạng bìa: Mềm
Giới thiệu sách:
Trái tim son trẻ là tên blog nhiều người biết tới của Phiên Nghiên, cô lấy luôn làm tên sách cho mình. Những bài viết được sắp xếp theo từng chủ đề, tác giả dùng chính bài viết làm tên chủ đề phân ra, giống như từng chương.
“Trái tim son trẻ” là những bài tản văn, tạp bút, vốn được tác giả giãi bày trên blog, được tập hợp theo những chủ đề nhất định, thành một cuốn sách khá dầy dặn và logic. Những ai mê thể loại tản văn, đã từng ấn tượng với Thạch Lam, Nguyễn Tuân, hay gần đây là cây bút Băng Sơn, Nguyễn Ngọc Tư, xa hơn nữa là Giả Bình Ao của Trung Quốc, khi đọc “Trái tim son trẻ”, chắc cũng khó tránh khỏi có sự so sánh về văn phong, sự tinh tế, hay thâm thúy. Tuy nhiên, có một điều khác khiến tác giả Phiên Nghiên có thể thuyết phục được người đọc, đó là cách nhìn, cách cảm trẻ trung, chân thành và nhiều cảm xúc.
Sơ lược nội dung:
Sách gồm có năm phần:
1. Cuộc đời là những chuyến đi kể về những chuyến đi;
2. Những kỷ niệm nuôi lớn trong tim - là những mẩu nhỏ về gia đình;
3. Dẫu thế nào cũng chia sẻ - vài nét phác thảo cuộc sống;
4. Xin hãy cảm thông cho những nỗi buồn tuổi trẻ - cái nhìn cuộc sống từ góc hẹp hơn, đi sâu vào lòng người, có thể coi như phần 4, và phần 5 là Trái tim son trẻ - như tác giả thú nhận, là vài "khoảng bí mật của người viết có ‘dính líu' tới tình cảm sân si".
Cuốn sách được viết bởi một trái tim nhạy cảm:
Đọc Phiên Nghiên, dễ nhận thấy một trái tim nhạy cảm - dù với một vấn đề liên quan đến thời cuộc, xã hội hay chút lãng mạn riêng tư. Nhạy cảm đủ để câu chữ tuôn tràn, nhiều lúc hơi lan man dư thừa - cái tật của người học chuyên văn, cứ muốn trút cho bằng hết cảm xúc của mình ra. Thế nhưng, điều dư thừa ấy lại giúp cho "những bức tranh đời" mà Phiên Nghiên vê lại bằng trực giác, ý thức, cảm quan, thậm chí chủ quan của một người trẻ tuổi -có nhiều màu sắc và nồng nhiệt hơn lên. Trong đó, Trái tim son trẻ của cô, dẫu có thể bị bầm dập trong nhiều tình huống nhưng cuối cùng vẫn hé mở một cánh cửa ước ao - cho mình và cho người.
Nhận xét về cuốn sách:
"Chợt nhận ra thời gian bay vèo qua tóc mình chưa kịp chạm vai, đã hơn nửa chục năm ở đất Sài Gòn, đã hơn hai ngàn ngày sống ở một nơi khác như một thói quen cũ kỹ. Nàng cũng nhận ra rằng mình có những góc phố riêng ở Sài Gòn, những nơi mà gần đây mỗi lần đi qua thường không dấu nổi vẻ bối rối, và bàn tay chợt trở nên dư thừa không biết giấu vào đâu...
“Tôi muốn mời bạn mở “Trái tim son trẻ” của Phiên Nghiên ra đọc và cảm thụ. Như cảm thụ cảm một thời tuổi trẻ của mình hiển hiện ra trước mắt, cảm thụ điều kỳ diệu của văn chương” – nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên.
Đây là cuốn sách hay nhất tôi từng đọc. Lời văn mộc mạc, chân thành, nhưng sâu sắc. Cuốn sách khiến tôi như yêu thêm cuộc sống thường ngày, làm tôi nhớ đến tất cả mọi người xung quanh : cha, mẹ, thầy cô....Cuốn sách thật mộc mạc, không cầu kì, hoa mĩ, nhưng nội dung , tình cảm ẩn chứa trong sách hết sức to lớn . Tôi nhớ mãi câu nói : '' ... tình yêu vẫn chưa hề tự vẫn trong trái tim mướt xanh của mình...Đây thực sự là một cuốn sách hay, nên mình hy vọng, mọi người có thể đọc và cảm nhận nó . Nhân Sunny- đến từ Quảng Trị
Mời bạn đón đọc!
Chiếc xe ních người bon bon chạy trên quốc lộ, thi thoảng bác tài thắng gấp để bắt khách, làm trẻ em người già thanh thiếu niên gì cũng chúi chúi ra đằng trước. Sau lưng, tui làm bầm vài ba tiếng chửi thề kiểu Đ.M, không phải chuyến cuối tao thèm đi à. Có ông khách người bê bết vôi vữa đang trả giá với bà chủ xe lấy tiền mắc hơn tới hai ngàn rồi cự cãi, ai đó mang lên xe gà vịt lổn nhổn cạc cạc quang quác, thêm tiếng trẻ con khóc, mùi thuốc lá mù mịt, mùi dầu gió, mùi người cuối ngày nồng nồng... Tự dưng tui cười, chắc trên trời có mình tui cười lúc này, thấy lòng đắng nghét."