Văn học tuổi 20 - Nơi trú ngụ không có trong bản đồ, tập truyện viết về hành trình vào đời đầy bỡ ngỡ, khó khăn và nhiều va vấp của những người trẻ xuất thân từ những vùng đất xa xôi và bản thân mỗi người họ đều có những tâm sự và hoàn cảnh riêng
Văn học tuổi 20 - Nơi trú ngụ không có trong bản đồ
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Bình, Tịnh Thủy
Năm xuất bản: 2014
Số trang: 384
Khổ sách: 13x20cm
Dạng bìa: Mềm
Giới thiệu sách:
Nơi Trú Ngụ Không Có Trong Bản Đồ - Tập truyện viết về hành trình vào đời đầy bỡ ngỡ, khó khăn của con người. Đặc biệt nhiều va vấp của những người trẻ xuất thân từ những vùng đất xa xôi và bản thân mỗi người họ đều có những tâm sự và hoàn cảnh riêng.
“...Tôi sẽ ở lại đấy lâu hơn nếu những con vi trùng sốt rét không tấn công vào cơ thể tôi. Từ bệnh viện thị xã, tôi về thẳng công ty. Đồ đạc áo quần được gửi về sau. Người tôi xanh rớt như ma cây, chỉ thấy mỗi đôi mắt to lồi lồi. Hệt người sắp chết. Hoàn thấy tôi, òa khóc như bị ai đánh đau. Sau lần đó, nó cứ một điều xui tôi bỏ việc, hai điều xui tôi chuyển ngành. Lên rùng lên núi, rừng thiêng nước độc, thân con gái sao chịu được? Đàn bà con gái sau này còn chồng con sinh nở, biết thế nào... Ai dám khẳng định những dòng suối luồn lách trong góc rùng khe núi ấy không có độc?
Nghe nó nói, tôi cũng hoảng, nhưng nghĩ đến chuyện lóc cóc đi xin việc tôi ngán tận cổ. Người nhiều việc ít. Đầy người bằng này cấp nọ tống chật túi mà vẫn ngồi nhà chơi. Nói gì cái bằng công nhân kỹ thuật của tôi. Thêm nữa, giờ bỏ đi xin việc khác biết nói sao. Không lẽ lại báo vì công việc nguy hiểm, vất vả quá?...”
*****
“....Khi Cha ra thành phố tìm việc, nhà tôi trở lại trạng thái cũ, trước khi có điện. Nghĩa là, thay vì tối tối điện sáng trưng nhà trên nhà dưới thì mẹ lại lụi cụi vò nát tờ giấy, lau sáng bóng hai cái bóng đèn dầu. Một cái dùng cho cả nhà, một cái để trên bàn học của ba chị em.
Không riêng gì nhà tôi mà hầu hết những nhà gọi là nghèo trong làng đều làm vậy. Mùa màng thì thất bát, lúa ăn không có, nộp sản không đủ, kiếm đâu ra mỗi tháng mấy chục cân thóc nộp mua điện? Không dùng nữa là xong. Không có cơm ăn mới chết chứ không có điện đâu chết được. Ngày xưa, các cụ có biết mặt mũi ánh điện tròn méo thế nào đâu mà vẫn sống, cũng học hành đỗ đạt ra ông nghè ông tổng. Mẹ bảo thế. Chỉ tội cho con bé Vân, mặt nó cứ bụng xụng vì thấy nhà minh tối mò còn nhà người ta sáng trưng. Ánh điện nhà ông Ba hàng xóm hắt đến sân nhà tôi một mảnh sáng không rõ hình gì, khoảng bằng cái nong. Con bé Vân cứ ra đấy ngắm nghía với vẻ thèm thuồng háo hức...
Rồi có vài vụ rắc rối xảy ra xung quanh vấn đề điện đóm. Không biết đầu đuôi thế nào. Cuối cùng cả làng quay về thời đèn dầu. Đài, tivi bỏ xó, tấm vải phủ đã bạc cả màu mà vẫn chưa có điện. Vài nhà đã đem đi bán, của một đống tiền đắp chăn bỏ xó, ai mà không xót?”
- Trích đoạn truyện Hành trình về phía mặt trời (Tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình)
Về tác giả:
Họ và tên: Nguyễn Thị Thanh Bình
Năm sinh: 1976
Quê quán: Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Kế toán
Các giải thưởng:
Giải đồng hạng văn xuôi "Mùa Xuân Tuổi Hoa"- Báo Hoa Học Trò
Giải đồng hạng văn xuôi "Tác phẩm tuổi xanh"- Báo Tiền Phong
Giải Ba cuộc thi "Vì tương lai đất nước" Lần II- NXB Trẻ và Hội nhà văn TP. HCM năm 1997.
Giải Tư cuộc thi "Văn học tuổi Hai Mươi" Lần II- NXB Trẻ và Hội nhà văn TP. HCM năm 2000.
Giải Nhì cuộc thi "Vì tương lai đất nước" Lần III- NXB Trẻ và Hội nhà văn TP. HCM năm 2002.
Các tác phẩm đã in: Bạn thành phố - tập truyện thiếu nhi - NXB Trẻ 1997, Vĩnh biệt tiểu thư - tập truyện ngắn - NXB Trẻ, Hành trình về phía mặt trời - truyện dài - NXB Trẻ 2002, Từng đôi mắt sáng - truyện vừa - NXB Kim Đồng 2003, Mưa đầu mùa - truyện vừa - NXB Kim Đồng 2004.
Mời bạn đón đọc!